The Theory of Everything - Lý thuyết nào cho tình yêu?

Khi ta chạm tới tình yêu, hãy nhớ rằng, đó là điều may mắn, dù cho có cay đắng, có nếm trải thương đau thì sau tất cả, tình yêu luôn có dư vị tuyệt vời mà chỉ những ai đã từng lặn ngụp trong nó mới có thể hiểu được. Đừng khẽ khàng chạm lấy tình yêu như một nhà hiền triết nghi ngờ nguồn gốc của vũ trụ, hãy ôm lấy tình yêu bằng cả trái tim như một đứa trẻ háo hức, đừng lo lắng và đừng sợ sệt.
(ảnh minh họa)
Đừng chú trọng vào những lý thuyết khô khan, đừng quan tâm đến những định luật, những giả thuyết, những suy đoán hay những công trình nghiên cứu, những thứ đã tạo nên nhà vật lý vĩ đại nhất hiện tại, Stephen Hawking. Hãy cùng bước chân vào câu chuyện tình yêu nhiều trắc trở, những cung bậc cảm xúc khó nói thành lời, sự yêu thương, niềm cay đắng, sự chịu đựng, sự cảm thông … Theory of Hawking không phải kể về một câu chuyện tình đẹp, phim kể về chuyện tình thực với nhiều lưu luyến và day dứt.

Tình yêu có bao giờ có lỗi

Bước qua những năm tháng đẹp đẽ, khi mà Stephen Hawking bắt đầu vào đại học với những công trình khoa học gây tiếng vang của mình. Ở đây, ông gặp người vợ của mình, Jane. Một câu chuyện tình đẹp, nhẹ nhàng, bắt đầu từ cuộc tranh luận, “chúa là gì?”. Ở hai con người đối lập, hướng theo một vị chúa trời khác nhau, một tâm linh và một khoa học. Vậy mà họ vẫn có tiếng nói chung, yêu nhau thắm thiết, âu cũng là số trời.
(ảnh minh họa)
Tình yêu có bao giờ có lỗi, khi đứng trước sóng gió, ai cũng phải suy nghĩ lựa chọn cho tình yêu của mình. Jane là một cô gái vẻ ngoài mong manh nhưng lại mạnh mẽ, đánh đổi tất cả để có thể hết mình với tình yêu của mình, dù biết rằng, “đây không phải là một cuộc chiến, đây là sự thất bại”.

Lời ái ân nào cũng thua thời gian

Phim không xoáy sâu vào câu chuyện khoa học của Hawking, vì những chuyện đó ai cũng biết, phim miêu tả về cuộc sống đời thực của nhà khoa học gia lừng lẫy này. Với chứng bệnh teo cơ không thể đi lại hay nói chuyện được, ông đã làm thế nào để vượt qua nó. Một cách diễn đạt rất thật, rất tinh tế, mọi thứ dựa trên cuốn hồi ký của Jane nên độ chân thật rất cao. Chúng ta như bước vào cuộc đời họ để cảm nhận, từng nỗi đau, từng phút lo lắng, sự mệt mỏi, chịu đựng, nỗ lực, buông bỏ, niềm tin … Mọi thứ hòa quyện vào nhau nhẹ và tinh tế, không quá dữ dội, không quá kịch tính nhưng bình thản len lỏi vào tận ngóc ngách nhỏ nhất.

Đàn bà sinh ra đã khổ, đẹp quá cũng khổ, giỏi quá cũng khổ, làm thân con gái đã khổ, làm vợ làm mẹ làm dâu càng khổ nhiều hơn. Mà khổ nhất là chọn nhầm chồng, ai có được chồng tốt coi như may mắn vậy. Jane có chọn được chồng tốt không? tốt, nhưng chưa đủ, có tiếc không? không, nhưng vẫn mong mỏi, có buồn không? có, nhưng đành phải chấp nhận, có muốn thay đổi không? muốn, nhưng còn nhiều ràng buộc nghĩa tình, nếu chọn lại có chọn không? không ai biết.

Khi yêu, người ta luôn nghĩ tình yêu là tất cả, thằng đàn ông nào cũng thề thốt “anh sẽ yêu em suốt đời”, ngược lại, đàn bà cũng vậy, thề thôi mà. Lời ái ân nào cũng thua thời gian, mọi thứ rồi cũng sẽ bị bào mòn, còn lại cái lõi trơ trọi lay lắt. Jane đã sống hết mình với tình yêu đầu dành cho Hawking nhưng nó đã tắt, như ngọn lữa bùng cháy cho tuổi thanh xuân. Khi bước qua một ngưỡng khác, được bồi đắp bởi sự mệt mỏi chán ngán, sự bức bối kéo dài, đàn bà có xu hướng thoát ra khỏi thực tế. Một cuộc tình ảo mộng và bị kèm nén, kèm theo đó là hương vị ngọt ngào và đắng chát.
The Theory of Everything - Lý thuyết nào cho tính yêu?:
(ảnh minh họa)
Đàn ông sinh ra cũng khổ (tóm lại cứ làm người là khổ, “kiếp sau xin chớ làm người”), nào gánh nặng trách nhiệm oằn vai, lại không được yếu mềm than thở, có đau cũng im lặng mà chịu, có muốn khóc cũng nuốt ngược nướt mắt vào trong. Đàn ông luôn muốn chung thủy với người mình yêu, nhưng mấy ai làm được, trăng hoa đôi lúc - dễ đâu nhạt nhòa. Hawking yêu vợ, yêu các con, yêu gia đình mình, nhưng ông cũng bất lực nhận ra có những thứ đang tuột khỏi tầm với. Một người thông minh như ông không thể không nhận ra điều đó, không thể không nhận ra sợi dây vô hình giữa Jane và Jonathan đang lớn dần lên, và sợi dây giữa ông và vợ ngày càng mong manh. Yêu không phải chỉ là quyết tâm nắm giữ, yêu còn là sự buông bỏ.

Lý thuyết nào cho tình yêu

Phim khắc họa cho ta thấy một “ông hoàng Vật lý” đam mê với nghiên cứu khoa học như thế nào, một người tìm ra và thiết lập nên những chân lý mới. Trong ngôi đền khoa học, Hawking là một tượng đài, “Lược sử thời gian” vẫn là một lý thuyết đột phá. Và với tình yêu, ông vẫn chỉ là một kẻ nhỏ nhoi, bối rối bước đi theo một quy luật riêng mà ông không thể nào nhìn ra nổi
(ảnh minh họa)
Chẳng có lý thuyết nào cho tình yêu cả, tình yêu không bao giờ bất biến, mỗi giai đoạn, với từng người lại có sự thay đổi khác nhau, như một dãy số thập phân vô hạn không tuần hoàn, mỗi lần phân chia là một con số mới, không lần nào giống lần nào. Đừng mong chờ một tình yêu bất diệt (chuyện đó chỉ có trong tiểu thuyết), hãy đến với tình yêu và để nó cuốn đi, theo dòng xoáy hỗn loạn êm ái, những cảm xúc nguyên sơ bao giờ cũng đáng giá. Một lý thuyết về tình yêu dành cho tất cả mọi người dường như không cần thiết.

Hài hòa, tròn trịa và cảm động

Những cảnh quay đẹp, cộng với nhạc phim hay. Câu chuyện được dẫn qua từng giai đoạn riêng biệt với những đoản khúc lên bổng xuống trầm liên miên. Dù vậy, phim không cố gắng “kịch tính hóa” câu chuyện, những bi kịch đau đớn được truyền tải một cách nhẹ nhàng. Mọi thứ được sắp xếp một cách hài hòa để người xem có thể dễ dàng đón nhận nhất.

Phim có kết thúc tròn trịa, không quá vui cũng không quá buồn, mỗi nhân vật đều có lựa chọn của riêng mình. Dù đúng, dù sai thì họ đều đã sống hết mình với tình yêu và sẵn sàng nắm lấy tình yêu khi có thể. Bạn có thể mỉm cười hoặc thở dài sau khi xem, nhưng đấy là thực tế. Đạo diễn James Marsh đã mất gần 10 năm để chuẩn bị cho The Theory of Everything và điều đó xứng đáng với những gì ta cảm nhận được về bộ phim.
(ảnh minh họa)
Với rất nhiều nỗ lực và bằng khả năng diễn xuất tuyệt vời, Eddie Redmayne đã mang đến một Steven Hawking thật nhất có thể. Một chàng trai 30 tuổi phải diễn vai xuyên suốt từ thời trai trẻ đến khi 70 tuổi. Một lối diễn xuất không màu mè, không cường điệu nhưng vẫn khiến người xem cảm nhận được mọi thứ. Từng ánh mắt, từng nhịp rướn người, nỗi cô đơn, sự tuyệt vọng … mọi thứ như khiến người xem ray rứt đồng cảm.
(ảnh minh họa)
Eddie Redmayne đã có một vai diễn tuyệt vời, một vai diễn để đời trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Tượng vàng Oscar là một phần thưởng xứng đáng. Có lẽ, thành công của phim nhờ một phần đóng góp lớn bởi khả năng diễn xuất xuất thần, vừa tự nhiên vừa uyển chuyển, vừa nghẹn ngào vừa lạc quan, vừa bi thương vừa hạnh phúc.
The Theory of Everything không phải để khắc họa về một tượng đài Vật lý, không phải một bộ phim tài liệu khô khan, phim mang đến cho chúng ta một câu chuyện tình nhiều cảm xúc, có hạnh phúc có khổ đau. Chạm đến trái tim và cho ta những rung cảm chân thật. Một bộ phim đáng xem, cho ta hiểu thêm không chỉ về cuộc đời của một người mà còn là những lý lẽ riêng biệt của tình yêu.

Theo: anbui@hdvietnam.com

Chia sẻ bài đăng

có thể bạn sẽ thích

First