Cách viết một review phim chi tiết

Ngay sau đây là một bài viết về cách viết một review phim rất chi tiết của BuiAn tại diễn đàn HDvietnam. Ngay từ những ngày đầu tham gia diễn đàn mình đã rất thích lối hành văn chất điên đảo, cùng cách viết sáng tạo đầy hoa mỹ làm ngây ngất lòng người của anh. May mắn thay mình tìm thấy bài viết này của anh nên lưu lại tại blog này của mình, để khi nào buồn buồn lấy ra xem lại :3
(ảnh minh họa)

Làm thế nào để viết một bài review phim?

1. Tìm hiểu về bộ phim định viết

Khi ta muốn viết về một điều gì đó (bình luận, nhận xét, đánh giá) thì trước hết ta phải hiểu rõ về nó, nói khi chưa hiểu gì là một sai lầm (và đôi khi nó gây ra những hậu quả khó có thể cứu vãn). Viết về một bộ phim cũng vậy, nên tìm hiểu kỹ càng. Bạn có thể làm điều này trước hoặc sau khi xem phim nhưng chắc chắn là hãy làm nó trước khi viết. Sơ lược những gì cần biết:
  1. Tên bộ phim và năm phát hành
  2. Đạo diễn của phim
  3. Diễn viên chính của phim
  4. Thể loại của phim

Ghi chú/ghi nhớ về bộ phim

Bạn có thể có trí nhớ phi phàm, tốt, nhưng nếu không được như vậy thì sao, hãy ghi chú lại những điểm cần lưu ý. Phim dài và bạn sẽ chẳng thể nào nhớ được hết cả phim, có thể quên mất những chi tiết và điểm cốt chính của phim. Việc ghi chép giúp bạn có thể lật lại những chi tiết đó khi viết.
(ảnh minh họa)
Vậy thì cần ghi nhớ những gì? Nên ghi lại những gì gây ấn tượng với bạn, cả tốt lẫn xấu, có thể là phục trang, diễn xuất, âm nhạc, góc quay, những điểm nhấn trong kịch bản … và hãy liên hệ những thứ này đến toàn bộ phim.

Phân tích toàn cảnh của bộ phim

Phân tích các thành phần khác nhau nhưng lại có liên hệ với nhau trong bộ phim. Trong và sau khi xem, bạn hãy tự hỏi những gì gây ấn tượng, còn đọng lại trong đầu bạn.
  • Đạo diễn. Hãy xem xét cách nghĩ của đạo diễn, họ đã miêu tả/giải thích câu chuyện như thế nào. Có thể so sánh nó với những bộ phim khác của cùng một đạo diễn đó. 
  • Quay phim. Những kỹ thuật nào được dùng để quay phim? Những sắp đặt và các chi tiết bối cảnh phông nền có thể có một ý đồ nào đó?
  • Kịch bản. Đánh giá về kịch bản, bao gồm cốt truyện, lời thoại và nhân vật. Bạn có thể cảm thấy cốt truyện sáng tạo và khó đoán hoặc ngược lại, nhàm chán và yếu kém. 
  • Dựng phim/Nhịp phim. Những cảnh trong phim được thể hiện như thế nào, chuyển từ cảnh này sang cảnh khác có thông suốt hay không? Hãy lưu ý đến việc sử dụng ánh sáng và các hiệu ứng kèm theo. Nếu có nhiều cảnh được dựng do máy tính thì có thể nhận xét về độ thực của nó và có phù hợp với toàn bộ phim hay không?
  • Thiết kế trang phục. Phục trang của các nhân vật có phù hợp với câu chuyện trong phim? Phần phục trang có góp phần vào tổng thể bộ phim chứ không phải chỉ thể hiện riêng lẻ?
  • Nhạc nền. Nó đã phù hợp với cảnh? Nó mang lại cảm giác gì, hồi hộp, khó chịu, phấn khích .... Nhạc nền hay có thể nâng tầm hoặc ngược lại, phá hỏng bộ phim, đặc biệt nếu như những bài nhạc mang một thông điệp hoặc ý nghĩa nào đó với phim.

Xem lại một lần nữa

(ảnh minh họa)
Nếu có điều kiện, hãy xem lại bộ phim một lần nữa, khó có thể hiểu được đầy đủ bộ phim nếu như chỉ xem nó một lần, hãy xem lại ít nhất một lần trước khi viết về bộ phim. Chú ý đến những chi tiết mà bạn đã bỏ lỡ khi xem lần đầu. Ví dụ nếu lần đầu bạn chú ý nhiều vào câu chuyện, diễn xuất trong phim thì lần này có thể để ý kỹ hơn về quay phim và nhạc nền.

2. Viết review

Tạo một cái luận đề

Nói luận đề nghe có vẻ xa vời và khó hiểu, thực ra nó chính là cái tiêu đề bao trùm mà bạn dùng để đánh giá bộ phim, nói nôm na nó như là một hướng đi để mình phân tích bộ phim theo con đường mà mình muốn hướng tới, tránh lan man gây bối rối cho người đọc. Luận đề này có thể theo nội dung bộ phim, dựa vào thông điệp của phim hoặc bất cứ điều gì mà bạn muốn nhắm tới khi muốn phân tích về những khía cạnh riêng biệt trong phim.
(ảnh minh họa)
  1. Bộ phim có phản ánh những sự kiện hoặc những vấn đề hiện tại? Nó có thể là cách mà đạo diễn muốn nói đến những điều lớn hơn. Hãy tìm cách liên hệ với thế giới thực bên ngoài để suy ngẫm.
  2. Bộ phim có gửi gắm một thông điệp gì đó? Hoặc nó có đưa ra một câu trả lời cụ thể hoặc mang cảm xúc gì đó đến cho khán giả? Bạn có thể thảo luận về việc nó có đạt được những mục tiêu của nó hay không.
  3. Bộ phim có liên hệ gì với chính bản thân bạn hay không? Bạn có thể viết một luận đề về sự liên hệ của nó với chính bản thân mình và dùng những câu chuyện của chính bản thân mình để nó trở nên thú vị hơn.

Viết một đoạn tóm tắt ngắn về cốt truyện phim

Việc này luôn cần thiết để độc giả có thể nắm bắt được câu chuyện phim đại khái nó là gì, có những nhân vật này, những xung đột nút thắt trong phim và nhờ thế thì độc giả sẽ dễ dàng theo kịp bài phân tích của bạn ở bên dưới. Hãy nhớ một nguyên tắc quan trọng khi review phim, “đừng kể và nói quá nhiều về những tình tiết bước ngoặc quan trọng” (kiểu như cuối phim ai sẽ chết, ai là trùm, ai là thủ phạm …), đừng làm hỏng niềm vui mà sự bất ngờ mang lại khi xem phim của độc giả.
  • Khi bạn nói về các nhân vật trong phim, bạn nên thêm vào luôn tên diễn viên đóng ở ngay trong ngoặc đơn sau đó.
  • Hãy cố gắng đưa tên của đạo diễn và tiêu đề đầy đủ của bộ phim ở một nơi nào đó trong bài review.
  • Nếu trong lúc review, bạn bất đắc dĩ phải nói nội dung quan trọng trong phim ra thì hãy cảnh báo độc giả trước.

Phân tích bộ phim

Viết những đánh giá về những điều thú vị trong phim, những cái bạn viết nên cố gắng xoay quanh luận đề ban đầu đã đưa ra. Đánh giá về diễn xuất, về ý đồ của đạo diễn, về sắp đặt đường dây câu chuyện, về góc quay, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng … Nên dùng kiểu văn xuôi đơn giản, dễ hiểu và có tính giải trí để thu hút người đọc.
  • Hãy làm cho bài viết của bạn rõ ràng và dễ hiểu, không sử dụng quá nhiều thuật ngữ kỹ thuật làm phim nếu không cần thiết, hãy dùng ngôn ngữ gãy gọn khúc chiết và dễ tiếp cận.
  • Hãy nêu những dữ kiện và những đánh giá của riêng cá nhân bạn về từng phần, đây là điều người đọc muốn biết nhất.

Sử dụng nhiều ví dụ để minh họa cho bài viết

(ảnh minh họa)
Khi bạn đưa ra một đánh giá nào đó, nên đi kèm với một ví dụ minh họa, có thể là cảnh trong phim hoặc những ví dụ về phim có liên quan. Bạn có thể trích dẫn những đoạn đối thoại quan trọng, tâm đắc trong phim để minh họa cho phần bình luận của mình. Bằng cách này bạn giúp người đọc vừa có thể mường tượng về bộ phim, vừa nghe những bình luận của bạn cùng một lúc.

Cá nhân hóa bài viết

Mặc dù là một bài viết mang tính đại chúng nhưng bạn hãy cá nhân hóa nó, điều này sẽ tạo sự thú vị hơn. Nếu phong cách viết của bạn thường là dí dỏm và hài hước, thì hãy đưa nó vào trong những nhận xét của mình. Nếu bạn là người nghiêm túc và mạnh mẽ, cũng nên thể hiện điều đó. Hãy để ngôn ngữ và phong cách bài viết phản ánh cái nhìn độc đáo và cá tính của bạn, cũng là một trong những điều thú vị dành cho người đọc.

Tổng kết bài đánh giá bằng một kết luận

Phần kết luận này sẽ bám sát luận đề ban đầu mà bạn đưa ra, kèm một số lời khuyên là khán giả có nên đi xem phim hay không, phim phục vụ cho mục đích và đối tượng khán giả nào. Phần kết luận này cũng nên viết một cách thú vị và hấp dẫn vì nó là một trong những phần quan trọng của bài viết, có khi đọc giả không đọc hết bài nhưng chắc chắn họ sẽ lưu tâm đến phần kết luận.

3. “Đánh bóng” bài review của mình

“Đánh bóng” ở đây có nghĩa là làm cho bài viết của mình được tốt hơn, đẹp hơn, hay hơn bằng cách chỉnh sửa nó lại.
(ảnh minh họa)
Sau khi viết xong, bạn hãy dành thời gian đọc lại nó một lượt và kiểm tra nó có đi theo cấu trúc ban đầu bạn đã đặt ra hay không. Bạn có thể cần phải thay đổi các đoạn xung quanh, xóa câu, hoặc thêm nhiều tư liệu ở đoạn nào đó mà bạn cảm thấy nó còn thiếu. Ít nhất là hãy biên tập một lần, tốt hơn nữa thì hãy làm 2 – 3 lần.
  • Hãy tự hỏi những nhận xét đánh giá trong bài có đúng với luận đề ban đầu của bạn? Những kết luận có thỏa mãn những luận đề ban đầu đã đưa ra?
  • Xem xét xem bài review của mình đã đủ chi tiết về bộ phim hay chưa? Nếu chưa hãy quay trở lại bài viết và mô tả thêm để mang đến cho độc giả một cái nhìn rõ hơn về bộ phim
  • Xem xét những đánh giá của mình đã đủ thú vị và hấp dẫn chưa? Bạn đóng góp được những gì cho luận đề ban đầu đưa ra? Những gì mà người đọc có thể nhận được từ những nhận xét của bạn.

Kiểm tra lỗi 

Hãy chắc chắn là bạn đã viết đúng chính tả trong cả bài cũng như tên nhân vật, tên diễn viên, đạo diễn … Sửa tất cả các lỗi chính tả, lỗi hành văn nếu có để bài viết hoàn chỉnh hơn, ăn cơm dù có ngon đến đâu mà thỉnh thoảng gặp sạn (lỗi chính tả) đều cảm thấy khó chịu. Tất cả những điều đó sẽ khiến cho bài viết của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn.

Cuối cùng đương nhiên là post cho mọi người đọc

Bạn viết ra những điều hay ho trong bài review tất nhiên là không phải để cho một mình mình đọc. Hãy làm cho bài đánh giá của mình được nhiều người biết đến, có thể post lên web, lên blog cá nhân, lên một diễn đàn chuyên về bình luận phim ảnh, post lên facebook hoặc gửi email.
(ảnh minh họa)
Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tinh túy của thời đại chúng ta, và giống như tất cả các loại hình nghệ thuật khác, nó luôn là chủ đề của những cuộc tranh cãi và đôi khi những chủ đề thảo luận lại mở ra những chân trời mới. Vậy nên đừng ngần ngại đưa ra những ý kiến đánh giá của mình và tiếp nhận những phản hồi của mọi người.

Một số lời khuyên khi viết review phim

  1. Nếu hoàn cảnh cho phép, hãy xem phim nhiều hơn một lần. Chẳng thể nào nhớ hết được tất cả tình tiết phim nếu chỉ xem một lần duy nhất, trừ khi bạn là Lê Quí Đôn.
  2. Thể hiện cảm xúc về bộ phim bằng những đánh giá phân tích. Nếu bạn cảm thấy thất vọng, bị xúc phạm hoặc chán ngán, hãy đưa ra những lý do chính đáng để lý giải cho những cảm xúc trên. Một bài đánh giá mà chỉ dựa trên việc tấn công cá nhân diễn viên, đạo diễn, biên kịch hay phê phán một thể loại riêng biệt là một bài đánh giá thất bại.
  3. Điều chỉnh phong cách viết của mình cho phù hợp với người đọc, nếu người đọc là những nhà phê bình phim, những người yêu thích phim ảnh, có kiến thức về điện ảnh, hãy viết sâu và thêm nhiều yếu tố chuyên môn trong bài. Còn nếu người đọc là những người trẻ tuổi (teen) hoặc fanboy thì có thể viết nhẹ nhàng hơn. 
  4. Tránh spoil! Một trong những nguy hại nhất của những người viết review phim là nói ra mất điểm cốt yếu chính trong tình tiết phim. Nếu cần thì hãy cảnh báo người đọc. Với những phim cũ hoặc đã phát hành cho đông đảo người xem rồi thì vấn để spoil phim cũng nhẹ nhàng hơn nhưng tất nhiên là vẫn nên cảnh báo trước.
  5. Xét đoán câu chuyện phim. Đánh giá về những nhân vật, những động cơ dẫn đến các hành động? Sự nhất quán trong cách ứng xử so với toàn bộ đường dây câu chuyện? Ý nghĩa của cốt truyện? Đường dây dẫn truyện có hợp lý? …
  6. Đánh giá các diễn viên. Họ có đáp ứng được yêu cầu cần phải thể hiện của kiểu nhân vật như vậy chưa? Nếu không thì nguyên nhân là gì, do kịch bản kém, ít đất diễn … Họ đã truyền tải được cảm xúc đến người xem chưa? Có những pha diễn xuất xuất thần nào gây ấn tượng đặc biệt không? 
  7. Đánh giá những yếu tố kỹ thuật. Quay phim, dựng phim, ánh sáng, âm thanh và những thứ khác trong phim như thế nào? Mọi thứ có hỗ trợ hay làm ảnh hưởng gì đến bộ phim? Âm nhạc có phù hợp và sử dụng hiệu quả? Bạn không cần phải biết những thuật ngữ trong kỹ thuật phim thể đánh giá những điều này nhưng nếu biết thì đó là điều tốt.
Viết một bài đánh giá phim cũng giống như “làm dâu thiên hạ”. thông thường người đọc sẽ không đồng ý với bạn điểm này hoặc điểm kia và sẽ có những tranh cãi bất tận, thậm chí góc nhìn và cảm xúc của người đọc cũng khác với bạn, sau khi đọc bài của bạn xong đi xem phim thấy không giống như những gì bạn nói, họ sẽ quay lại công kích.

Thế nên, khi viết review phim thì đừng nghĩ ngợi quá nhiều, hãy coi đó như một sự hưởng thụ, một niềm vui, một sự chia sẻ cảm xúc của bạn với người khác. Nếu ai đó đọc bài của bạn cảm thấy có ích thì quá tốt, nếu không thì cũng chẳng sao, đời này đâu phải chỉ có một màu.

Các bạn có thể đọc bài viết gốc của BuiAn tại đây: Làm thế nào để viết một bài review phim?

Chia sẻ bài đăng

có thể bạn sẽ thích

Previous
Next Post »

4 nhận xét

nhận xét