Ông cố vấn Huỳnh Kim Tước: "Đọc để sống"

Khi còn đi học, tôi thích đọc sách về triết học, văn học có yếu tố con người và số phận. Vì thế, tôi hay suy nghĩ về những sách theo phong cách "Of Mice and Men" của John Steinbeck và những câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em, nói về số phận con người như Bạch Tuyết và bảy chú lùn hay Tấm Cám...

Truyện cổ tích hay ở cách thức dùng truyện trẻ em như là một công cụ "bình thiên hạ” của người xưa. Bài học ẩn chứa trong các câu truyện cổ tích thật ra là dành cho người lớn nhưng cốt truyện hấp dẫn được trẻ em nên sẽ được người trưởng thành kể đi kể lại cho trẻ em nghe.

Cuốn sách tôi tâm đắc nhất là "A brief history of time" của Stephen Hawking. Cốt lõi của cuốn sách này là lý giải cũng như bảo vệ tính chất bất khả xâm phạm của các định luật trong thiên nhiên. Trong tập sách, Hawking chứng minh những vật thể lọt vào trong lỗ đen sẽ không mất đi mà thay vào đó là trả lại cho vũ trụ những tia xạ vô hình.
Sách lược sử thời gian
Và như thế định luật bảo toàn năng lượng không những không bị lung lay mà còn được củng cố thêm khi cho thấy sức mạnh vô biên của những lỗ đen kia cũng phải tuân thủ các quy tắc trong thiên nhiên. Do vậy, con người có thể tự tin dự đoán trạng thái của "thiên địa" sẽ ra sao cũng như tính được những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Cuốn sách đó và một số sách khác đã tác động đến cuộc sống của tôi trong những năm còn đi học. Bởi vì các tác giả đặt tên cho những tiêu chí, sự kiện, trường phái, triết lý, hoặc một nguyên tắc từng trải nghiệm nhưng chưa thể giác ngộ cho đến khi chúng có tên. Sau đó, trải nghiệm ấy trở nên có ý nghĩa theo cách tác giả đặt tên cho nó. Ví dụ như thuyết Management By Walking Around (MBWA, tạm dịch là Phương pháp quản lý bằng cách đi dạo vòng).

Từ xưa đến nay, các "sếp" đi dạo vòng không có mục tiêu thì coi như không biết cách quản lý. Nhưng MBWA chính là phương pháp tốt để người quản lý có thể nắm bắt được những gì mới nhất và thật nhất để điều chỉnh cho kịp thời, tùy cơ ứng biến mà không rập khuôn. Đây cũng là phương pháp tôi đã trải nghiệm rất nhiều nhưng không nghĩ nó là một phương pháp cho đến khi nghe tên của nó và giác ngộ từ đó.
Ông Huỳnh Kim Tước
Thời đại nào cũng thế, ai cũng có quyền đọc thông tin mà không cần người khác chọn lựa hay phê duyệt. "Rác" của người nhưng có thể là "vàng" của ta. Như vậy hãy suy nghĩ xem muốn làm gì với cuộc đời mình và hãy tìm hiểu thông tin liên quan để đọc thì thông tin đó sẽ trở nên rất tự nhiên, thú vị và có ý nghĩa.

Vậy chọn sách dựa trên tiêu chí nào? Sách được nhiều người đọc khen hay, sách thiết kế bìa đẹp, hay sách của tác giả nổi tiếng? Tôi nghĩ là nên chọn mục tiêu trong cuộc sống rồi tìm thông tin phù hợp để giúp đạt đến mục tiêu đó. Tôi biết một người rất mê đọc sách và hay đọc sách về luật. Ông rất thích nghe những người có vị thế trong xã hội bàn bạc về các vấn đề xã hội, chính trị, nhưng chưa hiểu các khái niệm cũng như chiều sâu của chúng.

Thế là ông tự đi tìm những thông tin liên quan để đọc và đọc thật nhiều dù chưa từng được đi học trong trường lớp một ngày nào vì phải vật lộn với cuộc mưu sinh vất vả. Sau đó ông không những trở thành một chính khách được nhiều người yêu thích mà còn là một trong những nhân cách vĩ đại. Ông là Abraham Lincoln, vị lãnh tụ vĩ đại, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ từ năm 1861 - 1865.

Với nhịp sống bận rộn như hiện nay, thời gian dành cho việc đọc sách dường như đang là thử thách với một số người. Với tôi, khi nào có động lực là tôi đọc chứ không cần phải có thời gian. Đọc ở đây là đọc thông tin, như các bài nghiên cứu hay những bài viết về lĩnh vực tôi quan tâm, chứ không hẳn là sách. Tức là đọc để sống chứ không phải sống để đọc.
HUỲNH KIM TƯỚC - Đại diện Facebook tại Việt Nam

Chia sẻ bài đăng

có thể bạn sẽ thích

Previous
Next Post »